Một vài khảo sát Hình_ý_quyền_(võ_Thiếu_Lâm)

Hình ý quyền là môn võ miền Bắc Trung Quốc, có nguồn gốc từ chùa Thiếu Lâm tại tỉnh Hà Nam, với nhiều đòn tay hơn đòn chân, đòn thế đơn giản và mạnh bạo. Môn nầy không có liên quan lịch sử với môn Nội Gia quyền ghi lại bởi Hoàng Tông Hy vào thế kỷ thứ 17, như hiện nay nhiều võ sư lầm tưởng.

Hình ý quyền mà thật ra phải gọi đúng tên của nó là Lục Hợp Quyền là một môn quyền của Thiếu Lâm mà ban đầu xuất xứ được lưu truyền khắp dải Sơn Đông, Hà Bắc. Lục Hợp có nghĩa là: Nội tam hợp (Ý - Khí - Lực), và Ngoại tam hợp (Thân - Thủ - Bộ). Môn này sau này được lưu truyền trong phái Thiếu Lâm Vy Đà Môn của dòng họ Vạn Lại nổi tiếng khắp vùng Hoa Bắc Trung Hoa.

Môn Hình ý quyền này, tức là Lục Hợp Quyền, được lưu truyền rằng có một tên khác là Tâm ý Bả (không nên lầm lẫn với bài Tâm ý Quyền khác nữa cũng được sáng tạo và truyền dạy tại Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam) được truyền dạy bảo mật trong các Thiền phòng và các tu viện của chùa Thiếu Lâm tại Tung Sơn, Hà Nam.

Bài Tâm ý Bả này là một trong những bài quyền xuất hiện rất sớm tại chùa Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam từ khi chùa mới được thành lập vào thời nhà Bắc Ngụy (386-534) dưới triều Hiếu Văn Đế (471-499).

Nội dung của bài Lục Hợp Quyền, hay Tâm ý Bả, rất hợp với phong thái và nội dung của giáo pháp Thiếu Lâm quyền đề cao sự hòa hợp Thân-Tâm trong nội dung giáo lý của Phật giáo Thiền tông.

Còn Hình ý quyền (mà có lẽ là Hình ý Linh thú quyền) tương truyền do Nhạc Phi (Yue Fei), một danh tướng thời Nam Tống sáng tác và Hình ý quyền của Trương Tam Phong sư tổ Võ Đang Phái không biết có khác gì với Hình ý Linh thú quyền tức là Tượng Hình Quyền đang được lưu truyền trong dân gian bắt chước theo các bộ dạng mô phỏng và cách điệu lên các động tác của các loại động vật giống như Ngũ Hình quyền (Long, Xà, Hổ, Báo, Hạc) của Thiếu Lâm vậy.

Ngoài ra còn có nhiều lưu phái Hình ý quyền được lưu truyền trong dân gian lẽ ra phải gọi đúng tên của chúng là Hình ý Linh thú quyền hay chính xác hơn là Tượng Hình Quyền vì các dạng quyền thức của chúng được mô phỏng theo động tác của các loài động vật hoang dã trong thiên nhiên [3].

Sau đây là trích đoạn Lục Hợp Quyền trong tác phẩm Lục Hợp Quyền, Lục Hợp Đao, Lục Hợp Thương của phái Vy Đà Môn (Thiếu Lâm) do cố võ sư Vạn Lại Thanh thủ tác Trung văn, dịch giả Hương Giang, nhà xuất bản Tủ Sách Võ thuật xuất bản tại Sài Gòn trước năm 1975 để bạn đọc tham khảo thêm và mở rộng đường dư luận. Nguyên văn như sau:

"...Luận về Lục Hợp Quyền

Lục Hợp quyền là của Vy Đà Môn thuộc Thiếu Lâm phái, nên cũng có tên là Vy Đà quyền, nhưng sở dĩ gọi là Lục Hợp quyền vì có Nội tam hợp và Ngoại tam hợp.

Nội tam hợp gồm Tinh, Thần, Khí, Ngoại tam hợp gồm Thủ, Nhãn, Thân. Nội ngoại có tương hợp thì mới có thể luyện quyền mà chế thắng đối phương. Lại còn cần có sự hợp nhất của Ngũ hành và Tứ tiêu mới có thể thành công. Ngũ hành gồm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ; Tứ tiêu thì răng gọi là Cốt tiêu, lưỡi gọi là nội tiêu, lỗ chân lông trên toàn thân gọi là Huyết tiêu, ngón chân ngón tay gọi là Cân tiêu.

Có người nói rằng, Lục hợp là Nhãn hợp với Tâm, Tâm hợp với Khí, Khí hợp với Thân, Thân hợp với Thủ, Thủ hợp với Cước, Cước hợp với Khóa (cái háng). Nhưng như vậy chẳng qua cũng chỉ là nói về ý nghĩa của Lục hợp mà thôi.

Nay có người nói tới Bát thức của vũ công, tức là nói về Nhĩ, Mục, Thủ, Túc. Luyện vũ công là phải luyện Bát thức. Bát thức lại phân làm Thượng tứ thức và Hạ tứ thức, tức là nói về chân và tay. Thượng tứ thức là Lũ Đả Đằng Phong, Hạ tứ thức là Thích Đàm Tảo Quải.Quyền cước Bát thức cũng lại là Bát hình. Bát hình là Miêu xuyên, Cẩu thiểm, Thố cổn, Ưng phiên, Tùng tử linh, Tế hung xảo, Diêu tử phiên thân, và Đọa tử cước.

Bát thức của ngành võ công như Bát pháp của ngành văn. Nhưng đến trình độ nào thì sử dụng được Bát pháp của ngành văn, cũng như tới trình độ nào thì vận dụng được Bát thức của ngành võ ? Ấy là phải như bậc văn thánh là Khổng Phu Tử và bậc võ thánh là Nhạc Vũ Mục vậy.

Lục hợp quyền của môn phái Vy Đà là môn quyền thuật có thể luyện tập bằng bất cứ bộ phận nào trên thân thể. Môn phái Vy Đà là có tất cả 24 bí thuật quyền cước, bí thuật thông dụng chỉ chừng bảy tám, trong đó Lục hợp quyền là căn bản công phu nhất.

Cuối đời Thanh, người có công phu tinh luyện về môn quyền này là Thần Thương Lưu Kính Viễn tiên sinh ở Thương châu Hà Bắc. Môn quyền này còn có Xích cừu liên quyền, là một thể thức Hầu quyền, khi luyện tập, hai người cùng luyện cùng đấu, một tay mà phân làm ba tay, phạm vi ứng dụng thật rộng lớn.

Môn phái Vy Đà căn cứ theo Tam Tài, Ngũ hành, Thất tinh, Bát quái, Cửu quan, lại dựa theo Bát phong của trời, Bát biến của đất, Bát thức của người (Bát thức gồm 2 tay, 2 chân, 2 tai, 2 mắt) mà nghiên cứu. Phép đánh thì có Bát đả, Bát phong, Bát bế, Bát tiến, Bát thoái, Bát cố, Bát thức và Bát biến, tổng cộng là 64 phép. Thêm vào đỏ còn có lục bả tổng quyền pháp. Về môn khí giới thì có Lục hợp đao pháp, song kiếm, đơn câu, là những phép mà các môn phái khác chưa có. Phép động thủ thì có Lục tuyện thối, gồm Khổn thối, Liên thối, Chuyển hoàn thối, Tiệt thối, Xước thối và Liêu âm thối. Những phép này đều là tinh túy của môn phái Vy Đà.

Lục hợp quyền phổ chép lại dưới đây gồm 24 mục, có thể xen hình vẽ mà tập luyện, ích lợi không phải là ít vậy.

..."

Trong Thiếu Lâm quyền Phổ của chùa Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam [4] thì lại trưng bày ra nguyên bản bài Tâm ý Bả lại có nội dung đường quyền khác với bản Lục Hợp quyền này khá nhiều. Song xem kỹ lại, ta cũng có thể nhận ra những nét chính cơ bản vẫn là phong cách quyền pháp của Phật gia chủ về phép đánh nghiêm ngặt, chặt chẽ trong các động tác, cường dương ngoại tráng, thế đánh gấp rút, thần thái uy nghi khác hẳn với phong thái tiêu diêu nhàn nhã và tự tại của các đường quyền thuộc trường phái Đạo gia, thật là đúng với câu ngạn ngữ dân gian được lưu truyền trong thiên hạ ở Trung Hoa xưa và nay "Bắc có Thiếu Lâm, nam có Võ Đang ", quả nhiên y như là một trời một vực cách nhau xa lắm.